Có đi tìm mới thấy có nhiều câu chuyện hay được gắn với những đặc sản trong dân gian mà ít người biết. Giả sử ta đem biếu một giỏ quà tết, một món ngon vật lạ… rồi lại ngồi hàn huyên cả câu chuyện liên quan đến từng sản phẩm, chắc hẳn câu chuyện ngày xuân sẽ thêm đượm nhiều niềm vui.
Rượu Phú Lễ
Người Trà Vinh vốn nổi tiếng với rượu Xuân Thạnh, nhưng ở đó rượu Phú Lễ vẫn được dùng trong yến tiệc, lễ nghi. Hơn một thế kỷ minh chứng sự độc đáo, giờ đây rượu Phú Lễ được vinh danh như Quốc Tửu.
Rượu nào chẳng say? Cái hay của rượu Phú Lễ là vẫn giữ được sự đậm đà, đằm thấm… Ngày nay, lớp trẻ thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho Phú Lễ bắt mắt hơn nên sự xuất hiện của rượu Phú Lễ trong lễ nghi cũng là điều dễ hiểu.
Bài hồ men truyền thống được người làng Phú Lễ lưu truyền từ thời vua Minh Mạng, làm từ 36 vị thuốc: Quế khâu, trần bì, đinh hương, tất phát, sa nhân, thiên niên kiện, trạch lan , xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, tiểu hồi, lương cương… Các vị thuốc được xay nhuyễn, trộn bột gạo lứt, nhồi chung với cám rồi ủ trong trấu suốt 7 ngày, đủ dậy men đặc trưng, tạo hương thơm không lẫn với bất kỳ loại quốc tửu nào.
Cái lạ là cũng với bài men ấy nhưng con gái Phú Lễ lấy chồng phương xa không sao làm được rượu ngon như bản quán. Người ta nói có 4 yếu tố làm cho rượu Phú Lễ ngon: một là Bài men hồ độc nhứt vô nhị; hai là Nước giếng; ba là Nếp trồng trên vùng đất này và bốn là Những cái tỉn ủ men tồn tại hàng trăm năm. Một cái gì đó chưa được giải mã mỗi khi nếm chén rượu Phú Lễ.
Rất nhiều cư dân ở Phú Lễ có gốc miền Trung giữ tiết tháo, lễ nghĩa. Việc sinh sống và cách xây dựng ngôi làng của họ cũng rất đặc trưng. Nâng ly chúc tụng cho một sự kiện đáng nhớ, mừng xuân hay một lúc nào đó cần tới chén rượu, cái tên Phú Lễ là sự chọn lựa tinh tường như nhắc nhở điều gì.
Định cư trên đảo dừa hàng trăm năm nay, người xưa dạy con cháu họ đừng vì lợi trước mắt mà làm mất giá trị riêng biệt của rượu Phú Lễ khi cất rượu để mưu sinh. Con cháu họ đã giữ được tâm nguyện đó cho tới ngày nay.
Còn nữa, thời Pháp thuộc, nấu rượu là phạm tội; Các kháp rượu phải dời vô Lạc Địa, giấu kín trong “mê cung” như vậy mà “Tây” cũng phát hiện, tịch thu hết để… thưởng thức!
Bánh Pía Sóc Trăng
Lần đầu tiên Natalie, du khách đến từ Hoa Kỳ, nếm thử miếng bánh pía có hương vị sầu riêng. Cô dè dặt cắn một miếng bánh nhỏ xíu và rồi mở to đôi mắt có hàng mi cong, reo lên ”tuyệt vời”. “Có thực nó được làm từ sầu riêng?”, cô hỏi.
Đối với cô và những khách lữ hành tham dự lễ hội bánh dân gian tại Cần Thơ, sầu riêng là loại trái đặc trưng “nửa thiên đường – nửa địa ngục” (cách nói dí dỏm).
Ông Trần Kiến Quốc, Chủ nhiệm câu lạc bộ bánh pía - lạp xưởng Sóc Trăng, chủ doanh nghiệp tư nhân Quảng Hưng cho biết: Bánh Pía khoai môn đã nổi tiếng, nhưng chính bánh Pía sầu riêng mới là kỳ công của nghệ nhân làm bánh pía ở xứ này.
Với 40 cơ sở làm bánh pía trong Hiệp hội, cùng chia sẻ cơ hội phát triển thị trường, họ cố gắng làm ra nhiều loại bánh từ đậu xanh, khoai môn và chia sẻ cách làm bánh với sầu riêng.
Hiệp hội của những người làm bánh Pía ở Sóc Trăng, chào bán, quảng bá thương hiệu bánh Pía gắn với những chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… từ ngã ba Trà Men qua nhiều đoạn đường ven quốc lộ 1A về Bạc Liêu. Người Hà Nội cũng rất thích bánh Pía Sóc Trăng. Sau khi nối đường bay Cần Thơ - Hà Nội, bánh pía Sóc Trăng có hẳn nhà phân phối ở thủ đô.
Natalie cắn một miếng bánh tại lễ hội, trong cùng thời điểm ấy cũng có thể cả triệu người đang nếm loại bánh độc đáo này do nhiều nhà sản xuất ở đây mở mang thị trường tới Hoa Kỳ, các quốc gia ở châu Âu sau khi họ xây dựng xong con đường xuất khẩu ổn định sang HongKong, Singapore, Campuchia…
Vào thế kỷ 19, người làm bánh Pía đầu tiên ở Phú Tâm chỉ nhắm tới nhu cầu của người Hoa, Việt và bây giờ là tiềm năng: những khách hàng đang tiếp cận văn hóa phương Đông.
Chả hoa trứng muối Năm Thụy
Những công dân mạng gọi vui “Chả hoa trứng muối Năm Thụy” là mồi bén cho “nạn cuồng ăn”. Món đặc sản này có thể ăn cùng các món khai vị, ăn với cơm, bánh mì hoặc lai rai với bia một cách “cơ động”. Mua để làm quà, rất được mắt.
Chả hình con cá, chả hoa dạng cây, chả thủ, chả lụa, patê cuộn trứng... là tài sản của một gia đình từng mưu sinh khó khăn và sự chọn lựa cách khởi nghiệp từ ý tưởng làm chả hoa trứng muối, những loại nguyên liệu không quá khó tìm ở Trà Vinh, là một câu chuyện chông gai.
“Gói” giấc mơ của gia đình vào xưởng nhỏ và tìm tới những người bán lẻ, anh Nguyễn Trường Chinh, thay cha mẹ điều hành hệ thống sản xuất - phân phối sản phẩm của Năm Thụy mừng lắm khi lần đầu sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn HVNCLC. Nhưng rắc rối đã xuất hiện khi tại Trà Vinh có một vài loại sản phẩm như vậy được tung ra thị trường với danh nghĩa “dòng họ” chả hoa Năm Thụy.
Thay vì tranh chấp, Nguyễn Trường Chinh dồn sức nâng cao chất lượng theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cấp quy cách đóng gói. Cách làm này khiến sản phẩm có nhiều cơ hội phát triển chuỗi bán lẻ và duy trì nguồn cung cấp sỉ cho nhiều siêu thị ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.
Nơi đầu tiên Nguyễn Trường Chinh tiếp cận thị trường TP. HCM là siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị. Nơi đây đã giúp anh kinh nghiệm làm hàng cho siêu thị và cách vượt qua những thách thức khi mở rộng thị trường. Anh Chinh chia sẻ kinh nghiệm ấy trong CLB Đặc sản và sản phẩm làng nghề Trà Vinh, một tổ chức được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh – Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) hỗ trợ. Họ có 10 cơ sở, theo lãnh đạo Liên minh HTX Trà Vinh, những cơ sở này đã giúp nhau phát triển nhiều mặt hàng đặc sản, đủ để tổ chức bữa tiệc đúng nghĩa: Ngon, no, say và giã rượu bằng bột nưa để tỉnh táo dự tiệc như mới bắt đầu.